Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

THỂ LỆ BỐC DỠ, GIAO NHẬN VÀ BẢO QUẢN HÀNG HOÁ TẠI CẢNG BIỂN VIỆT NAM

THỂ LỆ BỐC DỠ, GIAO NHẬN VÀ BẢO QUẢN HÀNG HOÁ
TẠI CẢNG BIỂN VIỆT NAM
( Ban hành kèm theo quyết định số: 2106/QUYẾT ĐỊNH-GTVT ngày 23/8/1997
của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải)

Trích:




Điều 6:
            Việc giao nhận hàng hoá các bên được quyền lựa chọn phương thức có lợi nhất và thoả thuận cụ thể trong hợp đồng. Nguyên tắc chung về giao nhận hàng hoá là nhận bằng phương thức nào thì giao bằng phương thức ấy.
            Phương thức giao nhận gồm:
1. Giao nhận nguyên bao, kiện, bó, tấm, cây, chiếc
2. Giao nhận nguyên hầm kẹp chì
3. Giao nhận theo số lượng, trọng lượng, thể tích theo phương thức cân, đo, đếm
4. Giao nhận theo mớn nước
5. Giao nhận theo nguyên container kẹp chì
6. Kết hợp các phương thức giao nhận nói trên
7. Các phương thức giao nhận khác
Điều 7:
            Trách nhiệm giao nhận hàng hoá là của chủ hàng hoặc người được chủ hàng uỷ thác với người vận chuyển. Chủ hàng phải tổ chức giao nhận hàng hoá bảo đảm được định mức xếp dỡ của cảng. Nếu việc giao nhận hàng không đáp ứng định mức xếp dỡ của cảng thì cảng được phép dỡ hàng lên kho bãi cảng (đối với hàng nhập) hoặc yêu cầu chủ hàng tập kết trước hàng vào kho bãi cảng (đối với hàng xuất), chủ hàng phải thanh toán chi phí phát sinh cho cảng.
Điều 8:
            Trong trường hợp người nhận hàng hoặc người được uỷ thác nhận hàng không thực hiện việc nhận hàng theo thoả thuận trong hợp đồng vận chuyển hoặc theo định mức bốc dỡ hàng hoá được cảng chính thức công bố, thì người vận chuyển và cảng có quyền lập biên bản, dỡ hàng lên khỏi tàu và ký gửi vào kho bãi cảng. Người nhận hàng có nghĩa vụ thanh toán mọi chi phí có liên quan.
Điều 9:
            Trong trường hợp có hàng hoá phải lưu kho bãi của cảng thì chủ hàng hoặc người được uỷ thác phải giao nhận trực tiếp với người vận chuyển đồng thời giao nhận với cảng khối lượng hàng hoá lưu kho bãi cảng,
Nếu người được chủ hàng uỷ thác là cảng thì cảng phải thực hiện theo hợp đồng uỷ thác  đã ký kết với chủ hàng.
Điều 10:
1.        Hàng hoá thông qua cảng phải có đầy đủ ký, mã hiệu hàng hoá theo quy định hiện hành, trừ hàng rời, hàng trần giao nhận theo tập quán thương mại.
2.        Đối với hàng container: số hiệu container phải rõ ràng, tình trạng kỹ thuật vỏ còn nguyên vẹn và còn nguyên niêm chì
3.        Đối với hàng nguyên hầm cặp chì: phải còn nguyên niêm chì
4.      Nếu những yêu cầu tại khoản 1,2,3 Điều này không bảo đảm gây nên nhầm lẫn, chậm trễ trong giao nhận thì cảng được miễn trách nhiệm.
Điều 11:
            Cảng giao hàng cho người nhận hàng theo nguyên tắc:
-          Người nhận hàng phải xuất trình chứng từ hợp lệ xác nhận quyền được nhận hàng và có chứng từ thanh toán các loại cước phí cho cảng.
-          Người nhận hàng phải nhận liên tục trong một thời gian nhất định khối lượng hàng hoá trong một vận đơn hoặc giấy gửi hàng hoặc chứng từ vận chuyển hàng hoá tương đương hoặc một lệnh giao hàng.
-          Cảng giao nhận hàng hoá cho người nhận hàng theo phương thức giao nhận quy định tại điều 6 của Thể lệ này.
-          Cảng không chịu trách nhiệm về hàng hoá ở bên trong nếu bao, kiện hoặc dấu xi chì còn nguyên vẹn.
-          Trường hợp hàng hoá giao nhận theo phương thức nguyên bao, kiện, bó, tấm, cây, chiếc, nếu có rách vỡ phát sinh thì giao nhận theo thực tế số hàng rách vỡ phát sinh. Tình trạng hàng hoá rách vỡ phải được xác lập bằng văn bản và có chữ ký của các bên liên quan.
Điều 12:
            Trước khi ký nhận hàng với cảng, người nhận hàng phải kiểm tra hàng hoá hoặc tình trạng kỹ thuật và niêm chì của container ngay cửa kho bãi của cảng. Nếu hàng hoá do cảng chuyển đến kho bãi của người nhận hàng theo hợp đồng uỷ thác thì chủ hàng  phải kiểm tra hàng hoá trước khi ký nhận tại kho của chủ hàng.
Cảng không chịu trách nhiệm về những hàng hoá bị hư hỏng hoặc mất mát mà người nhận hàng phát hiện sau khi đã ký nhận với cảng.
Điều 14:
Việc bốc dỡ hàng hoá trong phạm vi cảng do cảng tổ chức thực hiện
Trường hợp chủ hàng hoặc người vận chuyển hoặc người được uỷ thác muốn đưa người và phương tiện của mình vào cảng để bốc dỡ hàng hoá thì phải được sự đồng ý của cảng và phải trả các chi phí có liên quan cho cảng theo thoả thuận.
Điều 15:
            Cảng phải công bố định mức bốc dỡ cho từng loại hàng, từng loại tàu khác nhau trên cơ sở khả năng bốc dỡ thực tế của cảng.
Các bên liên quan có thể thoả thuận định mức bốc dỡ với cảng nhung không được thấp hơn định mức đã công bố.
Điều 16:
            Khi bốc dỡ những loại hàng hoá phải bảo vệ đặc biệt hoặc hàng nguy hiểm thì chủ hàng hoặc người được uỷ thác phải báo cho cảng biết những đặc điểm của hàng hoá để có những biện pháp bốc dỡ thích hợp và nếu cần chủ hàng hoặc người được ủy thác phải trực tiếp hướng dẫn cảng việc bốc dỡ hàng hoá đó.
Điều 17:
            1. Tàu phải chăm lo đủ ánh sáng trong hầm hàng và các nơi cần thiết khác cũng như các trang thiết bị làm hàng khác để bảo đảm an toàn cho việc bốc dỡ hàng hoá.
            2. Cảng có quyền từ chối hoặc đình chỉ việc bốc dỡ hàng hoá trong các trường hợp tàu không đủ điều kiện an toàn để làm hàng. Trong trường hợp này, cảng và các bên liên quan phải lập biên bản xác nhận các vi phạm quy định về bảo đảm an toàn bốc dỡ hàng hoá.
Điều 18:
            Cảng có quyền từ chối không nhận bốc dỡ những hàng hoá không có ký mã hiệu hoặc ký mã hiệu không rõ ràng hoặc bao bì không bảo đảm an toàn trong khi bốc dỡ. Trường hợp hàng hoá có trọng lượng thực tế không đúng với trọng lượng đã ghi trên lược khai hàng hoá của tàu thì chủ hàng phải chịu mức cước xếp dỡ (mức cước này do cảng quy định). Nếu vì sai trọng lượng mà gây thiệt hại đến phương tiện thiết bị xếp dỡ của cảng thì chủ hàng có trách nhiệm phải bồi thường cho cảng.
Điều 19:
            1. Cảng có trách nhiệm bảo quản hàng hoá lưu kho bãi cảng theo đúng kỹ thuật và thích hợp với từng vận đơn, từng lô hàng.
            2. Cảng có quyền từ chối việc nhận bảo quản và lưu kho bãi cảng đối với hàng hoá không có ký mã hiệu hoặc ký mã hiệu không rõ ràng hay bao bì không bảo đảm an toàn cho việc lưu giữ hàng hoá
            3. Trường hợp phát hiện hàng lưu ở kho bãi cảng có hiện tượng bị hư hỏng, cảng phải báo nhay cho chủ hàng đến giải quyết đồng thời tiến` hành những biện pháp cần thiết để ngăn chặn và hạn chế tổn thất. Chủ hàng phải chịu mọi chi phí phát sinh cho cảng nếu không chứng minh được rằng những biện pháp do cảng tiến hàng là không cần thiết.
Điều 20:
            1. Thời gian hàng hoá phải lưu kho bãi của cảng do chủ hàng hoặc người vận chuyển hoặc người được uỷ thác thoả thuận với cảng thông qua hợp đồng.
            Nếu quá thời hạn thanh toán quy định trong hợp đồng 7 ngày mà chủ hàng không thanh toán mọi chi phí cho cảng hoặc không ký hợp đồng gia hạn thêm thời gian lưu kho bãi thì cảng thông báo cho chủ hàng bằng văn bản. Sau 15 ngày (theo dấu bưu điện) mà chủ hàng không trả lời hoặc không có phương án giải quyết thoả đáng thì cảng được xử lý số hàng hoá đó theo quy định của pháp luật.
            2. Cước, phí lưu kho bãi cảng được tính theo nguyên tắc luỹ tiến theo thời gian.